Công cuộc thống nhất nước Đức Otto_von_Bismarck

Chiến tranh với Đan Mạch và Áo

Bài chi tiết: Chiến tranh Áo-Phổ

Nước Đức khi Bismarck bắt đầu lên làm thủ tướng nước Phổ là một tập hợp những công quốc có liên hệ lỏng lẻo với tư cách là các thành viên của Liên bang Đức. Bismarck đã dùng cả biện pháp ngoại giao và quân sự để đạt được sự thống nhất và loại Áo ra khỏi nước Đức thống nhất. Ông không chỉ biến Phổ trở thành nhân tố hùng mạnh nhất của nước Đức mới, mà còn đảm bảo Phổ vẫn là một nước theo chế độ quân chủ, chứ không phải là một chế độ nghị viện dân chủ.

Bismarck, bên trái, cùng Roon (giữa) và Moltke (phải), bộ tam đầu chế của nước Phổ trong những năm 1860.

Bismarck đứng trước một cuộc khủng hoảng về ngoại giao khi vua Frederick VII của Đan Mạch qua đời năm 1863. Việc thừa kế các lãnh địa SchleswigHolstein gây ra xung đột. Cả vua Christian IX của Đan Mạch, người kế vị của Frederick VII, và Frederick von Augustenburg, một công tước người Đức, đều tuyên bố quyền sở hữu các lãnh địa đó. Dư luận ở Phổ ủng hộ mạnh mẽ Augustenburg trong vấn đề này, do Holstein và Nam Schleswig là những vùng nói tiếng Đức. Bismarck cũng phản đối kịch liệt quyết định của Christian sáp nhập hoàn toàn vùng Schleswig vào Đan Mạch. Với sự ủng hộ từ Áo, ông ra một tối hậu thư cho Christian IX yêu cầu nhà vua trả lại nguyên trạng Schleswig. Khi Đan Mạch từ chối, Áo và Phổ tấn công nước này, dẫn tới chiến tranh Schleswig lần thứ hai. Kết quả là Đan Mạch buộc phải từ bỏ cả hai lãnh địa. Anh, nước đồng minh của Đan Mạch, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Henry John Temple và Ngoại trưởng John Russell, đã không có động thái phản ứng rõ rệt và không muốn triển khai quân đội ở Đan Mạch.

Tuy nhiên, sau chiến thắng, các lãnh địa đó đã không được trao lại cho Augustenberg. Bismarck nhanh chóng loại ông này ra với những yêu cầu không thể chấp nhận được, như việc nhà nước Phổ sẽ kiểm soát quân đội và hải quân của những vùng lãnh địa chiếm đóng. Lẽ ra về nguyên tắc, Nghị viện Liên bang Đức sẽ quyết định số phận của hai lãnh địa này, nhưng trước khi có bất kỳ quyết định nào được thông qua, Bismarck đã xúi bẩy Áo cùng ký thỏa thuận Gastein. Theo thỏa thuận ký ngày 20 tháng 8 năm 1865 đó, Phổ nhận Schleswig, còn Áo nhận Holstein. Trong năm đó, Bismarck được phong làm Công tước Bismarck Schönhausen.

Nhưng năm 1866, đế quốc Áo bội ước và yêu cầu Nghị viện Liên bang Đức quyết định vấn đề Schleswig và Holstein. Thủ tướng Bismarck sử dụng yêu cầu này như một cái cớ để khởi động chiến tranh chống Áo với cáo buộc những người Áo đã vi phạm thỏa thuận Gastein. Bismarck đưa quân Phổ tới chiếm Holstein. Bị chọc giận, Áo kêu gọi sự giúp đỡ từ các công quốc khác của nước Đức, và tất cả nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh Áo-Phổ. Quân đội Phổ, dưới sự chỉ huy của Helmuth von Moltke, có quân số gần bằng Áo, nhưng được tổ chức tốt hơn nhiều và vào trận với tư thế có thể chiến thắng. Bismarck còn tạo nên một liên minh bí mật với Ý, đang có tham vọng về lãnh thổ với vùng Venetia do Áo kiểm soát. Việc Ý tham chiến buộc Áo phải chia sẻ lực lượng của họ.

Trong sự ngạc nhiên của cả châu Âu, các tập đoàn quân Phổ đã nhanh chóng đánh bại quân Áo và đồng minh trong trận Königgrätz, trận đánh lớn nhất ở châu Âu cho tới thời điểm đó. Nhà vua và các tướng lĩnh Phổ muốn lấn tới bằng việc chinh phục Bohemia và đánh thẳng đến Viên. Nhưng Bismarck lo ngại về vận may của quân Phổ và khả năng Pháp đứng về phía Áo can thiệp vào cuộc chiến. Ông bèn nhờ cậy thái tử (tuy là người chỉ đạo quân đội Phổ ở Königgrätz, nhưng ông lại chống chiến tranh) thuyết phục nhà vua thay đổi ý định.

Chiến tranh Áo Phổ dẫn tới Hòa ước Praha 1866. Theo đó, Liên bang Đức bị giải tán. Phổ sáp nhập Schleswig, Holstein, Frankfurt, Hannover, Hessen-Kassel (hay Hessen-Cassel), và Nassau; còn đế quốc Áo phải cam kết không can thiệp vào các vấn đề của Đức nữa. Để củng cố thêm quyền bá chủ của Vương quốc Phổ, Phổ và vài công quốc Bắc Đức thành lập Liên bang Bắc Đức vào năm 1867. Vua Wilhelm I cũng là vua của liên bang và Bismarck là Thủ tướng. Kể từ đây bắt đầu thời kỳ mà các sử gia phương Tây gọi là "Thời khốn khổ của nước Áo" khi Áo chỉ còn là chư hầu của nước Đức mạnh hơn, một mối quan hệ có tác động quan trọng vào việc khởi phát hai cuộc chiến tranh thế giới sau này.

Bismarck, giờ đã đeo quân hàm cấp tá, mặc quân phục của Trung đoàn Trọng binh Dân quân số 7[16] trong suốt các chiến dịch Áo-Phổ và Pháp-Phổ về sau này. Sau cuộc chiến năm 1866, ông được thăng hàm thiếu tướng kỵ binh. Mặc dù trên thực tế chưa bao giờ cầm quân hay chỉ huy chiến trường, Bismarck thường xuyên mặc quân phục cấp tướng trước công chúng trong phần đời sau của ông, như trong rất nhiều tranh ảnh về ông thể hiện. Bismarck còn được Nghị viện Phổ thưởng một khoản tiền lớn sau chiến tranh và ông đã dùng số tiền đó để mua Varzin, một lãnh địa lớn hơn tất cả những lãnh địa mà ông đang sở hữu cộng lại.

Thắng lợi trên chiến trường đã mang tới cho Bismarck sự ủng hộ lớn lao về chính trị ở Phổ. Trong cuộc bầu cử hạ viện năm 1866, những người tự do dân chủ hứng chịu một thất bại nặng nề và để mất đa số ở nghị viện. Hạ viện mới được bầu ra do phe bảo thủ chiếm đa số và ủng hộ hoàn toàn Bismarck. Nghị viện thông qua khoản ngân sách quốc phòng đã bị gác lại bốn năm trước một cách dễ dàng. Kể từ đó, Bismarck bắt đầu con đường của một trong những chính trị gia thành công nhất lịch sử.

Quỹ đen Bò sát

Sau cuộc chiến năm 1866, Otto von Bismarck sáp nhập vương quốc Hannover, vốn là một đồng minh của Áo chống lại Phổ. Một thỏa thuận giữa Phổ và Hanover cho phép vị vua đã bị lật đổ của công quốc này, Georg V, được giữ lại 50% thu nhập từ các thái ấp của vương tộc. Phần còn lại là tài sản nhà nước và được chuyển vào ngân khố. Tuy nhiên, vào đầu năm 1868, Bismarck buộc tội Georg V tổ chức một âm mưu chống lại nhà nước và quyết định tịch thu phần sản nghiệp được chia của ông, vào khoảng 16 triệu thaler (đơn vị tiền tệ khi đó). Bismarck dùng tiền này để lập nên một quỹ đen gọi là quỹ Loài Bò sát (Reptilienfonds, cũng có thể được dịch là Quỹ rắn) dùng để hối hộ cho các nhà báo hòng hạ uy tín những đối thủ chính trị của ông. Năm 1870, Bismarck còn dùng tiền trong quỹ để giành được sự ủng hộ của vua Ludwig II của Bayern để đưa Wilhelm I lên làm hoàng đế Đức.

Bismarck cũng dùng quỹ này cài đặt nội gián vào trong số những người giúp việc để theo dõi hoàng thái tử Friedrich cùng vợ ông là Vicky. Bismarck còn dựng nên những câu chuyện trên các tờ báo rằng cặp vợ chồng Hoàng gia làm gián điệp cho Anh và tiết lộ bí mật quốc gia của Đức cho chính phủ Anh. Friedrich và Vicky rất ngưỡng mộ bố của Vicky, tức là cha vợ của Friedrich, Vương công Albert của Saxe Coburg Gotha. Họ dự định sẽ cùng nhau cai trị nước Đức như Albert và nữ hoàng Victoria. Họ cũng lên kế hoạch cải cách những thiếu sót lớn trong nhánh hành pháp mà Bismarck đang điều hành. Văn phòng thủ tướng chịu trách nhiệm trước nhà vua sẽ được thay bằng một nội các kiểu Anh, với các bộ trưởng chịu trách nhiệm trước nghị viện. Các chính sách của chính phủ mới phải dựa trên sự nhất trí của nội các đó. Để làm suy yếu cặp vợ chồng Hoàng gia, khi hoàng tử sau này sẽ trở thành hoàng đế Wilhelm II vẫn còn là một cậu bé, Bismarck bèn tách cậu ra khỏi bố mẹ và đặt dưới sự giám hộ của ông. Bismarck dự định sẽ dùng Wilhelm II chống lại vợ chồng hoàng thái tử hòng duy trì quyền lực của mình. Bismarck dần dần sẽ dùng Wilhelm II để tạo ra các đặc quyền cho ông và dạy dỗ hoàng tử thành một người không chịu phục tùng bố mẹ. Kết quả là Wilhelm II có quan hệ chống đối với bố mình, và đặc biệt là với bà mẹ người Anh.

Năm 1892, sau khi Bismarck bị cách chức, hoàng đế Wilhelm II chấm dứt việc sử dụng nguồn tiền này bằng cách sung nó vào công quỹ.[17]

Thành lập đế quốc Đức

Wilhelm I lên ngôi hoàng đế Đức ở Cung điện Versailles, Pháp.

Chiến thắng của Phổ trước Áo đã làm gia tăng căng thẳng với Pháp. Hoàng đế nước Pháp là Napoléon III lo sợ rằng một nước Đức hùng mạnh sẽ phá vỡ tình trạng cân bằng quyền lực tại châu Âu. Chính trị gia đối lập người Pháp là Adolphe Thiers thậm chí còn nhận xét rằng chính nước Pháp đã bị đánh bại tại Königgrätz. Về phía mình, Bismarck cũng không hề né tránh chiến tranh với Pháp. Ông tin rằng nếu các công quốc ở Đức cùng xem Pháp là kẻ thù thì họ sẽ đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của vua Phổ và khiến cho Napoléon III liên quan vào những âm mưu xâm chiếm các vùng lãnh thổ ở LuxembourgBỉ, khiến nước Pháp có vẻ tham lam và không đáng tin cậy với người dân Đức.

Một tiền đề thích hợp cho chiến tranh xuất hiện vào năm 1870, khi Vương công người Đức Leopold của xứ Hohenzollern-Sigmaringen được đề nghị kế vị ngai vàng của Tây Ban Nha, đã bỏ trống từ sau cuộc cách mạng 1868. Pháp phản đối việc này và yêu cầu phải có sự bảo đảm rằng không bất kỳ thành viên nào của dòng họ Hohenzollern trở thành vua của Tây Ban Nha. Để khiêu khích Đế chế Pháp tuyên chiến trước, Bismarck cho công khai một văn bản đã được sửa chữa ghi lại cuộc đối thoại giữa vua Wilhelm I và đại sứ Pháp tại Phổ là bá tước Benedetti, theo đó nhà vua không chấp nhận đòi hỏi của Pháp.

Pháp động viên quân đội và tuyên bố chiến tranh vào ngày 19 tháng 7, năm ngày sau khi văn bản trên được công bố ở thủ đô Paris. Đế chế Pháp giờ đây bị coi như những kẻ xâm lược và các công quốc Đức, bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc và nhiệt tình yêu nước, tập hợp dưới lá cờ Phổ và gửi quân đội hỗ trợ. Đế quốc Nga đứng ngoài cuộc và tận dụng cơ hội này để tái vũ trang ở Biển Đen, vốn đã bị phi quân sự hóa sau chiến tranh Krym vào những năm 1850. Cả hai con trai của Bismarck đều tham chiến với hàm sĩ quan trong binh chủng kỵ binh Phổ. Chiến tranh Pháp-Phổ (1870) kết thúc với thắng lợi quyết định của liên minh Phổ-Đức[4]. Quân đội Phổ-Đức dưới sự chỉ huy trên danh nghĩa của nhà vua và trên thực tế của Tổng Tham mưu trưởng Helmuth von Moltke giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Những trận đánh lớn diễn ra trong không đầy một tháng, từ ngày 7 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1870, quân Pháp thua hai trận quan trọng ở SedanMetz. Hoàng đế Napoléon III bị bắt sống và giữ ở Đức phòng khi Bismarck cần ông này để đứng đầu một chính phủ bù nhìn.

Sau cuộc vây hãm Paris thắng lợi, Bismarck nhanh chóng hành động để đảm bảo cho sự thống nhất của nước Đức. Ông thương lượng với các công quốc Nam Đức, đưa ra những nhượng bộ nếu họ đồng ý thống nhất. Cuộc thương lượng đã thành công. Ngay trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, Wilhelm I lên ngôi hoàng đế Đức vào ngày 18 tháng 1 năm 1871 tại Cung điện Versailles.[18] Đế quốc Đức mới là một liên bang, mỗi thành viên trong số 25 công quốc (các vương quốc, công quốc, lãnh địa và những thành phố tự do) đều được một số quyền tự trị nhất định. Vua nước Phổ, giờ là vua của Đế quốc Đức, không phải là người trị vì toàn bộ đế chế. Hoàng đế chỉ là người đứng đầu trong số những người đứng đầu có địa vị pháp lý ngang nhau ở các công quốc, nhưng hoàng đế nắm quyền điều khiển Bundesrat, một kiểu hội đồng nhà nước, và có quyền chỉ định thủ tướng của liên bang Đức.

Sau cuộc chiến, Pháp buộc phải nhượng lại vùng Grand Est và một phần vùng Lorraine vì Moltke cùng các tướng lĩnh Đức khẳng định rằng việc tước đi phần đất đó sẽ đẩy Pháp vào thế không tấn công Đức được nữa.[19]. Bismarck phản đối kế hoạch sáp nhập đó vì ông không muốn biến nước Pháp thành một kẻ thù lâu dài.[20] Ngoài ra, Pháp còn bị buộc phải trả một khoản bồi thường chiến phí lớn, và số liệu của khoản chiến phí này được ước tính, dựa trên dân số Pháp, là hoàn toàn tương đương với khoản chiến phí mà Napoléon I áp đặt lên nước Phổ bại trận năm 1807.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Otto_von_Bismarck http://www.amazon.com/Bismarck-German-Empire-Erich... http://www.amazon.com/Handbook-Imperial-Germany-Ja... http://books.google.com/books?id=IkgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=N-omE8jc9UcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=akpzLZLxvP4C&pg=P... http://books.google.com/books?id=dEgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=gb_QDH2ACAgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=iz8bAAAAMAAJ&pg=P... http://www.kbismarck.com/ottovbis.html http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=7561027